Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Bí quyết khiến trẻ em “yêu thích” các bài kiểm tra

Tham khảo các bài liên quan:
Phương pháp học tiếng Anh hiệu quả
Khoá học IELTS cấp tốc mục tiêu 6.5-7.0

IELTS Writing Task 2 – Part 3: Writing an introductory paragraph


Kiểm tra là một phần không thể thiếu của các khoá học. Nhưng trong thực tế các kỳ kiểm tra luôn khiến học viên, đặc biệt là học viên nhỏ tuổi cảm thấy lo lắng và căng thẳng.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả các bài kiểm tra mà còn khiến học viên có thái độ tiêu cực đối với việc học. Vậy làm thế nào để thầy cô không chỉ đánh giá được mức độ tiến bộ của trẻ mà còn khiến chúng “yêu thích” các bài kiểm tra?

Những bài kiểm tra chỉ có tác dụng khi chúng giúp giáo viên kiểm chứng được những gì họ đã làm được đồng thời giúp học viên thực hành những gì đã học được và thấy rõ họ cần bổ sung những kiến thức hay kỹ năng cụ thể nào. Bởi vậy những bài kiểm tra cần tập trungkiểm tra những gì thầy cô đã dạy trên lớp. Cụ thể chúng cần giáo viên:

  • Chú ý đến trình độ tư duy và hiểu biết xã hội của trẻ.
  • Theo sát chương trình học tiểu học và trung học của trẻ.
  • Đưa ra những ngữ cảnh cụ thể, rõ ràng cùng các nhiệm vụ trẻ có thể giải quyết.
  • Khen thưởng trẻ vì những gì chúng biết, không trừng phạt trẻ vì những gì chúng không biết.
  • Có hình thức đẹp, hấp dẫn trẻ (sử dụng màu sắc, sơ đồ .v.v….)
  • Đem lại những kết quả có ý nghĩa khuyến khích trẻ tiếp tục học tập.

Như vậy những bài kiểm tra chỉ có giá trị khi chúng phù hợp với đối tượng học viên cần kiểm tra. Cách trẻ em tiếp cận ngôn ngữ mới hoàn toàn khác người lớn. Những kỹ năng ngôn ngữ đầu tiên phát triển ở trẻ là nói và nghe. Đây chính là trọng tâm mà việc kiểm tra trẻ em cần hướng tới. Những chủ đề thích hợp với trẻ là những gì gần gũi với cuộc sống thường ngày của chúng như trường học, thực phẩm, thể thao, động vật .v.v…Ngôn ngữ phù hợp nhất cho những bài kiểm tra dạng này là ngôn ngữ đời thường với những ngữ cảnh rõ ràng, cụ thể. Bất kỳ một hình thức kiểm tra nào dưới dạng viết đều hạn chế trẻ thể hiện khả năng ngôn ngữ của mình vì chúng chưa phát triển được những kỹ năng cần thiết cho việc viết lách. Đối với học viên ở độ tuổi lớn hơn, tuy việc tập trung vào kỹ năng nghe nói vẫn có những tác động tích cực nhưng đồng thời họ cũng đã thành thục ít nhiều kỹ năng đọc và viết nên việc kiểm tra hai kỹ năng này có vai trò quan trọng không kém. Nhưng dù ở lứa tuổi nào, dù trọng tâm là ngôn ngữ nói hay viết thì bài kiểm tra vẫn cần tập trung vào ý nghĩa ngôn ngữ trong ngữ cảnh cụ thể hơn là cấu trúc ngữ pháp đơn thuần.

Bên cạnh đó, nếu bài kiểm tra được trình bày sống động, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi và kiến thức nền của học viên chắc chắn các thí sinh sẽ tích cực làm bài hơn và thể hiện hết khả năng của bản thân. Những phần trong bài kiểm tra có thể có hình thức giống trò chơi hoặc sử dụng máy tính để tiến hành kiểm tra cũng là một ý kiến hay. Khi dùng máy tính học viên sẽ chủ động thực hiện bài kiểm tra bằng các tính năng hỗ trợ như: tô đậm, sắp xếp lại, chèn chữ nghệ thuật hay chèn hình ảnh minh hoạ .v.v… Sử dụng máy tính cũng giúp việc giảng dạy và đánh giá kỹ năng viết thú vị hơn vì người học có thể xử lý văn bản như chèn bảng, điều chỉnh cỡ chữ, thêm hiệu ứng hình ảnh .v.v…để làm bài viết của họ sống động hơn. Hơn nữa, trẻ em sẽ cảm thấy rất phấn khích và hào hứng khi bài làm của chúng được “trưng bày” trước lớp.

Ngoài ra, trẻ sẽ “yêu thích” kiểm tra một khi chúng không bị nỗi lo thi cử ám ảnh. Nếu những phần cần kiểm tra ngắn gọn, có phạm vi khảo sát hẹp thì thầy cô có thể có thể thay đổi thường xuyên dạng bài kiểm tra. Điều này sẽ gây cho trẻ cảm giác đang thực hiện những yêu cầu hoàn toàn mới mẻ, tránh được ấn tượng tiêu cực về một dạng bài nào đó mà chúng đã không hoàn thành tốt. Trẻ sẽ không sợ kiểm tra một khi chúng biết rõ mình phải làm gì và cảm thấy hoạt động này thú vị và hấp dẫn. Ví dụ các bài kiểm tra tiếng Anh dành cho trẻ em của Cambridge được thiết kế để không có trẻ nào bị “trượt”, và mọi thí sinh đều nhận được lời khen vì đã tham gia vào kỳ thi cũng như những nhận xét mang tính tích cực về những gì chúng đã thể hiện trong bài kiểm tra đó.

Việc không ngừng hoàn thiện các bài kiểm tra ngôn ngữ dành cho trẻ em đã giúp các giáo viên ngoại ngữ tăng tính hiệu quả của các tiết học trên lớp cũng như khiến học sinh cảm thấy tự tin và thích thú hơn khi học tiếng. Nhờ đó mà việc kiểm tra đánh giá sẽ trở thành động lực chứ không phải là trở ngại kìm hãm quá trình học tập của trẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét