Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Không có phương pháp lỗi thời chỉ có cách áp dụng lỗi thời

Tham khảo các bài liên quan:

Phương pháp học tiếng Anh hiệu quả

Khoá học IELTS cấp tốc mục tiêu 6.5-7.0

MỘT SỐ LỜI KHUYÊN KHI THI IELTS (PART 4: THI NÓI - SPEAKING)


Hàng trăm năm qua, các giáo viên ngôn ngữ đã sử dụng “đọc chính tả” như một phần không thể thiếu trong các giờ dạy của họ. Tuy nhiên, ngày nay nhiều giáo viên ngoại ngữ lại cho rằng “đọc chính tả” đồng nghĩa với “lỗi thời và nhàm chán”.
Liệu có phải phương pháp trên đã hoàn toàn lỗi thời và không còn giá trị đối với các lớp học ngoại ngữ hiện đại theo đường hướng giao tiếp lấy người học làm trung tâm?

Trước khi giải đáp thắc mắc trên, chúng ta thử cùng nhìn qua khái niệm thế nào là “đọc chính tả”. Khi một người đọc chính tả, người đó sẽ đọc to một đoạn văn bản nào đó để người nghe có thể ghi lại. Như vậy, tự thân khái niệm không hề có quy định rằng ai là người đọc và ai là người nghe. Quyền lựa chọn hoàn toàn nằm trong tay những người áp dụng. Trong các lớp học ngoại ngữ truyền thống trước đây, mục đích của hoạt động này là học sinh ghi chép lại từng từ thầy cô đọc, sau đó đối chiếu với đoạn văn bản gốc và chữa lỗi. Đây là cách thức áp dụng của phương pháp lấy người dạy làm trung tâm. Nhưng với phương pháp lấy người học làm trung tâm, thầy cô hoàn toàn có thể cải biến cách thức áp dụng cho phù hợp với đường hướng giao tiếp.

Ngoài công thức áp dụng truyền thống là thầy đọc – trò chép, còn có rất nhiều cách áp dụng lấy người học làm trung tâm thay vì người dạy như trước đây. Một trong những giải pháp đó là giao nhiệm vụ “đọc chính tả” cho học viên. Khi đó thầy cô không chỉ kiểm tra được phát âm của người học mà còn tạo điều kiện cho họ làm quen với những giọng đọc khác nhau của những người không phải dân bản xứ, đặc biệt trong các lớp có học viên đến từ nhiều vùng miền hay nền văn hoá khác nhau.

Khi tiến hành “đọc chính tả”, thầy cô có thể đa dạng hoá nhiệm vụ học tập bằng các hoạt động sau:
·         Chia nhỏ đoạn văn bản rồi phát cho mỗi học viên một dòng. Sau đó yêu cầu họ lần lượt đọc to câu của họ để các bạn khác trong lớp nghe rồi chép lại. Cuối cùng đưa cho học viên bản sao của đoạn văn bản đầy đủ để họ có thể so sánh đối chiếu với những gì họ đã ghi lại được.
 
·         Chia học viên thành từng cặp, yêu cầu họ chọn ra một “người viết” và “người chạy”. Dán đoạn văn bản cần đọc chính tả lên tường cuối phòng học. Các học viên có nhiệm vụ chạy sẽ phải chạy tới chỗ dán đoạn văn, ghi nhớ từng dòng trong đoạn văn rồi quay về đọc cho bạn của mình ghi lại. Nhiệm vụ của họ sẽ lặp đi lặp lại cho tới khi họ hoàn thành đoạn văn. Hai người có thể đối vị trí giữa chừng. Cuối cùng học viên có thể so sánh những gì họ làm được với đoạn văn bản đầy đủ. Hoạt động này chỉ áp dụng với những đoạn văn bản ngắn. 

·         Thầy cô là người đọc chính tả nhưng học viên mới là người quyết định tốc độ đọc và số lần nhắc lại. Hãy yêu cầu học viên coi như lúc đó bạn không phải là giáo viên mà là một “chiếc đài sinh học”. Khi bạn đọc đoạn văn bản, họ có thể đưa ra những câu lệnh ngắn gọn như ‘Stop’ (Dừng lại), ‘Rewind’ (Tua lại), ‘Play’ (Chạy băng) hay ‘Slow down’ (Chậm lại) .v.v…

·         Hoạt động đọc chính tả có thể chuyển thành hoạt động nghe và ghi lại ý chính. Sau đó học viên sẽ dùng từ khoá mà họ đã ghi lại để tạo nên một đoạn văn bản có cùng ý nghĩa nhưng với cách diễn đạt khác. Như vậy việc “đọc chính tả” sẽ không chỉ kiểm tra được khả năng nghe mà còn kiểm tra được khả năng nắm bắt ý chính và diễn đạt của học viên.
 
·         Kết hợp “đọc chính tả” với các hoạt động học tập khác. Thầy cô có thể đọc các câu trong đoạn văn bản theo trật tự đã bị xáo trộn rồi yêu cầu học viên sắp xếp lại thành một đoạn văn bản có ý nghĩa hoàn chỉnh. Điểm cần chú ý ở đây là tạo cho học sinh cảm giác đây là một cơ hội để rèn luyện kỹ năng nghe chứ không phải là một lần kiểm tra khả năng chép chính tả một cách thụ động.
 
·         Trong trường hợp học viên trong lớp ở những trình độ khác nhau, thầy cô có thể thay đổi yêu cầu của hoạt động cho phù hợp. Đối với những học viên yếu trong việc nghe lấy chi tiết chúng ta có thể phát cho họ đoạn văn bản sẽ đọc chính tả với những chỗ trống cần điền. Việc này sẽ giúp họ tập trung tốt hơn và dần dần khắc phục được những điểm yếu trên.

“Đọc chính tả” không phải lúc nào cũng có tác dụng giống nhau đối với mọi đối tượng nhưng sử dụng hoạt động học tập này theo những phương thức mới sẽ giúp người thầy tận dụng được những điểm mạnh cũng như hạn chế được những điểm yếu của nó. Bởi vì không có phương pháp lỗi thời mà chỉ có cách áp dụng lỗi thời.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét